Theo nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật Lanier, V. (1972), mục tiêu của việc dạy học mĩ thuật cho trẻ em là phát triển, tạo động lực sáng tạo cho trẻ; rèn luyện kỹ năng thẩm mĩ; nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật để tạo ra những cá nhân có năng lực và có tiêu chuẩn thẩm mĩ cao đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và nền công nghiệp hoá.

Theo Gene Mittler và Rosalind Ragans, (2007), Exploring Art, mục tiêu của môn Mĩ thuật là khám phá khả năng sáng tạo và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Bên cạnh đó môn Mĩ thuật còn có mục tiêu phát triển các kỹ năng tri giác bằng cách tăng cường nhận thức trực quan; cung cấp kiến thức và kỹ năng làm phong phú cuộc sống cũng như nâng cao hiểu biết sâu sắc về cuộc sống cho trẻ.

Theo Nguyễn Quốc Toản (2008), mục tiêu của môn Mĩ thuật nhấn mạnh vai trò giáo dục thẩm mĩ cho học sinh là chủ yếu: tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, làm quen, thưởng thức cái đẹp, tập tạo ra cái đẹp, vận dụng cái đẹp vào sinh hoạt học tập hằng ngày và những công việc cụ thể mai sau. Theo Phạm Viết Vượng (2008) giáo dục thẩm mĩ là quá trình giáo dục hình thành cho học sinh năng lực nhận thức, thưởng ngoạn, đánh giá, sáng tạo và hành động theo cái đẹp.

Chính vì vậy theo Nguyễn Quốc Toản – Hoàng Kim Tiến (2008), Giáo trình Phương pháp Dạy – Học Mĩ thuật, giảng dạy mĩ thuật sẽ có những mục tiêu như sau:

  1. Về kiến thức
  • Giúp học sinh có kiến thức cơ bản về các nguyên lý trong mĩ thuật (màu sắc, đường nét, hình, khối, sắc độ, bố cục, chất liệu…) thông qua các thể loại vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, ký hoạ thiên nhiên, vẽ tranh tĩnh vật, vẽ người, vẽ cảnh, tập nặn tạo hình, vẽ ứng dụng vào sản phẩm…
  • Cung cấp kiến thức sơ lược về lịch sử mĩ thuật Việt nam và thế giới.
  • Giúp học sinh cảm thụ nghệ thuật thông qua quá trình học tập như: xem các triển lãm đương đại; đi tham quan các làng nghề thủ công truyền thống…
  • Hướng dẫn học sinh thể hiện bản thân thông qua các ý tưởng; khám phá thế giới bên trong của mình cũng như phát huy khả năng kết nối với thế giới xung quanh.
    b. Về kỹ năng: Rèn luyện cho học sinh kỹ năng quan sát, phản biện qua đó phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sức sáng tạo, sự khéo léo và linh hoạt của đôi bàn tay; thực hành được các bài vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, ký hoạ thiên nhiên, vẽ tranh tĩnh vật, vẽ người, vẽ cảnh, tập nặn tạo hình, vẽ ứng dụng vào sản phẩm; biết nhận xét, phân tích sơ lược một số tác phẩm hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc của Việt nam và thế giới; biết vận dụng các kỹ năng đã học vào cuộc sống.
    c. Về thái độ: Giúp học sinh bước đầu cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người; có cảm xúc và trân trọng vẻ đẹp của các tác phẩm của bậc tiền bối, các công trình kiến trúc, di tích văn hoá.

Theo Lê Tống Ngọc Anh, (2021), dự án “hỗ trợ giáo dục mỹ thuật bậc tiểu học” (SAEPS) Việt Nam – Đan Mạch, mục tiêu của PPGD theo hướng đổi mới của Đan Mạch là tạo cảm hứng học tập cho HS bằng các hình thức hoạt động liên kết thành một quy trình. Qua đó, học sinh tự khám phá, suy nghĩ, sáng tạo. Từ đó giúp các em kích thích sự tương tác, suy nghĩ sáng tạo và phát triển nhận thức. Các em sẽ phát triển khả năng biểu đạt cảm xúc, giao tiếp hình ảnh, khám phá và hiểu được văn hoá thị giác.

Nói tóm lại, mục tiêu giáo dục mỹ thuật của chúng ta hiện tại là tập trung vào phát triển kỹ năng, kiến thức mỹ thuật còn mục tiêu giáo dục mỹ thuật của phương pháp mới hướng đến là sự sáng tạo và sự tự nhận thức, phát triển nhận thức. Hay như triết gia Osho đã viết, Ươm Mầm (2013), cho rằng giáo dục đúng nghĩa sẽ dạy cho trẻ cách để là chính mình, bộc lộ theo cách riêng độc nhất của mình và đây chính là mục tiêu sâu nhất của giáo dục thẩm mĩ.

Trò Chuyện

Mĩ thuật cho trẻ em

Mĩ thuật cho trẻ em

Mục tiêu giáo dục mỹ thuật của chúng ta hiện tại là tập trung vào phát triển kỹ năng, kiến thức mỹ thuật còn mục tiêu giáo dục mỹ thuật của phương pháp mới hướng đến là sự sáng tạo và sự tự nhận thức, phát triển nhận...

Các giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ tạo hình của trẻ em

Khái niệm Mĩ thuật, môn Mĩ thuật

Theo Từ điển tiếng Việt (2002), mĩ thuật là ngành nghệ thuật nghiên cứu quy luật và phương pháp để thể hiện cái đẹp bằng đường nét, hình khối, màu sắc. Rosalind Ragans và cộng sự (2001), Art Connection, cho rằng Mỹ thuật là "nghệ...

Các giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ tạo hình của trẻ em

Dạy học Mĩ thuật trực tuyến

Dạy học Mĩ thuật trực tuyến tại các cơ sở ngoại khoá là hình thức dạy học mới trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành, nghiên cứu điểm mạnh và điểm yếu của việc dạy học trực tuyến này sẽ giúp giáo viên có nhiều góc nhìn để thiết kế các khoá dạy học Mĩ thuật...