Dạy học Mĩ thuật trực tuyến tại các cơ sở ngoại khoá là hình thức dạy học mới trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành, nghiên cứu điểm mạnh và điểm yếu của việc dạy học trực tuyến này sẽ giúp giáo viên có nhiều góc nhìn để thiết kế các khoá dạy học Mĩ thuật trực tuyến tốt hơn cho trẻ em. Bài viết này có mục tiêu chính là tìm hiểu thực trạng công tác dạy học, xác định những khó khăn và thuận lợi của việc dạy học trực tuyến đối với học sinh từ 6 đến 13 tuổi đang học bộ môn Mĩ thuật. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng một cuộc khảo sát 96 học sinh (HS) và phỏng vấn khảo sát trực tuyến 32 giáo viên (GV) để tìm hiểu sâu hơn về những lợi thế và những bất lợi của giáo dục trực tuyến từ góc nhìn của HS học Mĩ thuật và GV giảng dạy. Đối tượng dự kiến cho nghiên cứu là các GV dạy học ở các trung tâm ngoại khoá trên địa bàn tp.HCM, cũng là người hướng dẫn và người thiết kế các khoá học mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số điểm mạnh, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc dạy và học trực tuyến của các trung tâm này và kết quả cũng là cơ sở thực tiễn để giáo viên tìm ra các phương pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cho các khóa học.

  • Một số cơ sở lý luận về học trực tuyến và dạy học (Mĩ thuật) trực tuyến

Học trực tuyến (hay e-Learning) là việc sử dụng các thiết bị điện tử, phương tiện truyền thông, công nghệ giáo dục và công nghệ truyền thông (ICT) trong giáo dục. Học trực tuyến là sự kết hợp của nhiều loại phương tiện truyền tải văn bản, âm thanh, hình ảnh, hoạt ảnh, video trực tuyến, và bao gồm các ứng dụng và quy trình công nghệ theo K. Udaya Sri (2014). Đại dịch COVID-19 đã buộc các trường học trên toàn thế giới phải đóng cửa, dẫn đến gần 1,95 tỷ trẻ em phải ra khỏi lớp học hoặc rời trường học ở gần 195 quốc gia (Tandon, 2020a; UNESCO, 2020). Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của e-learning, được định nghĩa là việc sử dụng các công nghệ internet để cung cấp một loạt các giải pháp nâng cao kiến ​​thức và hiệu suất (Rosenberg và Foshay, 2002). Được xây dựng dựa trên nền tảng của Công nghệ Internet và Truyền thông, e-learning đang được coi là giải pháp thay thế khả thi nhất cho việc dạy và học trên lớp truyền thống trong những ngày này.

Theo K. Udaya Sri (2014) dạy trực tuyến cho trẻ nhỏ có thể khó khăn do ở lứa tuổi này khoảng thời gian chú ý của trẻ ngắn; chúng dễ bị mất hứng thú nhanh chóng. Nếu phương pháp giáo dục trực tuyến được thiết kế cung cấp một bầu không khí vui vẻ và có nhiều tương tác sẽ lôi cuốn được trẻ em. Học trực tuyến cung cấp tính linh hoạt cao hơn phương pháp học tập thông thường bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận nội dung giáo dục từ bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào. Đồ họa bắt mắt giúp giữ chân trẻ chú ý; khi trẻ đang có rất nhiều niềm vui sẽ không nhận ra rằng chúng đang học. Trẻ em học với ba loại phong cách học tập cơ bản: thị giác, thính giác và động học, trẻ em sử dụng nhiều giác quan để xử lý thông tin khi học.

Bernard Luskin (2010), nhà tiên phong của e-learning cho rằng chữ “e” trong e-learning có nghĩa nhiều hơn chữ “điện tử” – ông ủng hộ rằng chữ “e” trong e-learning (học trực tuyến) nên được hiểu theo nghĩa là chữ E lớn của “thú vị, tràn đầy năng lượng, nhiệt tình, tình cảm, kéo dài, xuất sắc, và giáo dục “ngoài điện tử “. Nếu chúng ta nghiên cứu các lý thuyết về việc học và nghĩ về chúng trong bối cảnh chữ “E” lớn cho việc học, chúng ta sẽ nghĩ đến các lý thuyết về động lực, thành công, trí thông minh, khả năng làm chủ, hình dung tâm lý, sự đáng tin cậy, màu sắc, âm thanh, nhận thức, lặp lại và chú ý , tính cách, ngữ nghĩa, thuyết phục và kiểm soát. Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu thấy những tác động nảy sinh từ việc nhận ra tiềm năng của những lý thuyết này trong việc chuyển đổi cơ hội học tập từ hình thức truyền thống qua trực tuyến như hiện nay.

Theo Galuh Gussantoko, Slamet Subiyantoro, và Endang Widiyastuti (2020) cho rằng với mô hình học tập trực tuyến trẻ em vẫn có thể phát triển tài năng, sở thích học Mĩ thuật để rèn luyện khả năng sáng tạo của mình và tiếp tục học tập mặc dù đang ở trong đại dịch covid-19. Học bằng Mĩ thuật trực tuyến là phương pháp phù hợp để sử dụng trong thời kỳ covid-19 cho phép học sinh không đến và gặp gỡ trực tiếp với giáo viên / người cố vấn. Quá trình học tập sử dụng e-learning bao gồm ba giai đoạn, đó là: giai đoạn ban đầu hoạt động; hoạt động cốt lõi; và kết thúc hoạt động. Hoạt động ban đầu là chuẩn bị của quá trình học tập bằng cách chuẩn bị một số linh kiện và công cụ học tập. Cốt lõi các hoạt động là quá trình thực hiện học dưới hình thức cung cấp tài liệu bằng cách giáo viên / cố vấn cho học sinh bài giảng về chủ đề vẽ. Hoạt động kết thúc là đánh giá. Đánh giá được thực hiện bằng cách giáo viên nhận xét về công việc của học sinh. Việc sử dụng các mô hình học tập điện tử giúp trẻ dễ dàng vẫn có thể học vẽ, phát huy tài năng và sở thích về Mĩ thuật và kênh thông qua các trường học không chính quy. Vì vậy, trong đại dịch covid-19 không làm giảm quá trình làm việc. Do đó, sự sáng tạo được sở hữu bởi đứa trẻ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển. Hơn nữa, cung cấp động lực và tự do cho sinh viên thông qua một cuộc họp thu phóng rất có ảnh hưởng đến khích lệ tinh thần của học sinh, học sinh sẽ tự tin và không xấu hổ khi thể hiện bản thân họ để sự sáng tạo mà trẻ sẽ hình thành và phát triển tốt.

Qua cơ sở lý luận về dạy và học trực tuyến cho thấy rằng học trực tuyến là hình thức học tập không thể thiếu trong giai đoạn đại dịch hiện nay. Đặc biệt là đối với những môn học mang tính năng khiếu, sở thích lại càng cần thiết hơn khi trẻ em cần sự năng động và sáng tạo trong những ngày bị hạn chế ra đường, bị hạn chế giao tiếp trực tiếp.

  • Mẫu và phương pháp nghiên cứu
    • Mẫu nghiên cứu

_ Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 2 nhóm đối tượng: 96 HS đang theo học các khoá mĩ thuật trực tuyến tại các cơ sở giáo dục ngoại khoá trên địa bàn tp.HCM và phỏng vấn khảo sát trực tuyến 32 GV, kết quả hợp lệ sau khi thu về xử lý là 96 HS và 32 GV.

_ Trong 96 HS, có 36 HS nam, chiếm 37.5% và 60 HS nữ, chiếm 62.5%. Về nhóm tuổi, những HS tham gia trong nghiên cứu này có những nhóm tuổi khác nhau, nhóm tuổi tiểu học từ 6 đến 10 tuổi, chiếm 83.4.8%, nhóm tuổi phổ thông từ 11 – 13 tuổi chiếm 16.6%. Chỉ có 24 bé chiếm 25% đang học tại trung tâm của mình, còn lại 75% là các bé từ ngoài trung tâm đăng kí các khoá học tự chọn. Có 12,5% học sinh đang sống ngoài tp.HCM còn lại 75,5% học sinh sinh sống trong tp.HCM. Số HS học mĩ thuật online ít hơn 3 tháng chiếm 79,2%, còn lại 20,8% các bạn đã học online từ 3 tháng đến 1 năm. Hầu hết các bạn học bằng phần mềm Zoom chiếm 83,3%, còn lại 16,7% HS học bằng phần mềm Google meet. Về thiết bị sử dụng để học trực tuyến 70,8% HS dùng laptop, có 12.5 HS dùng Ipad, 8,3% HS dùng máy tính bàn và tương tự 8,3 HS dùng smart phone. Số lượng học sinh trong lớp học mĩ thuật trực tuyến qua khảo sát cho thấy lớp dưới 6 HS chiếm 25%; từ 6-10 HS chiếm 54.2%; từ 10-15 HS chiếm 8.3%; từ 15-20 HS chiếm 4.2%; và lớp hơn 20 HS chiếm 8.3%. Cho thấy sỉ số lớp học trực tuyến môn mĩ thuật hiện nay đa phần dưới 10 HS.

_ Bên cạnh đó, tác giả còn phỏng vấn trực tuyến 8 GV để làm rõ một số nội dung về ưu điểm và nhược điểm khi dạy học Mĩ thuật trực tuyến.

  • Quy ước thang đo

Nghiên cứu này đã sử dụng thang đo 5 mức độ Likert với 1 = “Hoàn toàn

không đồng ý” và 5 = “Hoàn toàn đồng ý” để tính mức độ đồng ý trong các nội dung lên kế hoạch dạy học của GV bao gồm: Mục tiêu dạy học, Nội dung dạy học, Phương pháp dạy học, Hình thức tổ chức dạy học, các yếu tố tham gia quá trình dạy học, ưu và nhược điểm của dạy học Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em. Likert 5 mức độ được tính như sau: Mức độ với giá trị = (giá trị lớn nhất – giá trị nhỏ nhất)/ tổng giá trị = (5-1)/5 = 0.8 tức là khoảng cách giữa các giá trị là 0.8. Cụ thể: 1.00 < Hoàn toàn không đồng ý ≤ 1.80 (HS – GV tuyệt đối không đồng ý với nội dung này); 1.81 < Không đồng ý ≤ 2.60 (HS – GV rất hiếm khi đồng ý với nội dung này); 2.60 < Đồng ý một phần ≤ 3.40 (HS – GV chỉ đồng ý một phần với nội dung này); 3,41 < Đồng ý ≤ 4,20 (HS – GV thường đồng ý với nội dung này) và 4,21 < Hoàn toàn đồng ý ≤ 5,00 (HS – GV gần như tuyệt đối đồng ý với nội dung này).

  • Phương pháp phân tích dữ liệu

Tất cả dữ liệu khảo sát từ bảng hỏi, nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê toán học bằng phần mềm SPSS để phân tích các chỉ số thống kê như tần số, tỷ lệ, trị trung bình, độ lệch chuẩn. Đối với dữ liệu thu được từ phỏng vấn, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nội dung và đối chiếu để bổ sung, làm sáng tỏ vấn đề cho các dữ liệu định lượng.

  • Kết quả nghiên cứu thực tiễn
    • Mức độ thực hiện mục tiêu dạy học Mĩ thuật trực tuyến
  1. Kết quả khảo sát học sinh

Kết quả bảng 1a cho thấy, tất cả HS đều đồng ý với các mục tiêu dạy học của GV (TB = 4.12; ĐLC = 0.87). Yếu tố được xếp thứ hạng cao về sự đồng ý của HS là học Mĩ thuật để hiểu và vận dụng được bài học vào cuộc sống trẻ thơ (TB = 4.21; ĐLC = 0.83). Yếu tố học Mĩ thuật trực tuyến để có kiến thức và kỹ năng có tổng sự đồng ý thấp hơn các yếu tố khác, và có độ lệch chuẩn dao động chênh cao hơn một chút (TB = 3.96; ĐLC = 0.96). Truyền cảm hứng và tạo động lực có độ dao động ĐLC thống nhất cao nhất (TB = 4.13; ĐLC = 0.80). Cho thấy tất cả các HS học Mĩ thuật trực tuyến đều đồng ý Kiến thức và Kỹ năng là quan trọng nhưng yếu tố Hiểu và Vận dụng còn quan trọng hơn đối với trẻ, đặc biệt là các HS đều cùng thống nhất học trực tuyến việc được Tạo động lực và được Truyền cảm hứng là yếu tố được nhất trí nhiều nhất. Qua đây cho thấy GV khi soan đề tài dạy Mĩ thuật nên đề cao yếu tố truyền cảm hứng, tạo niềm vui học tập cho các em, bài giảng nên mang tính vận dụng và hiểu nguyên lý Mĩ thuật cao hơn sẽ thu hút các bạn hơn là việc truyền tải kiến thức và kỹ năng ở độ tuổi 6 – 13 tuổi.

Bảng 1a. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện mục tiêu dạy học Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em (KSHS)

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Mức độ thực hiện mục tiêu – Truyền cảm hứng & tạo động lực 4.13 0.80
2 Mức độ thực hiện mục tiêu – Cung cấp Kiến thức & Kỹ Năng 3.96 0.96
3 Mức độ thực hiện mục tiêu – Dạy HS hiểu & tự vận dụng 4.21 0.83
4 Mức độ thực hiện mục tiêu – Hình thành & phát triển khả năng sáng tạo 4.17 0.87
Tổng Cộng 4.12 0.87

 

  1. Kết quả khảo sát giáo viên

Kết quả bảng 1b cho thấy các giáo viên hoàn toàn đồng ý với các đề mục của mục tiêu dạy học trực tuyến (TB = 4,66; ĐLC = 0.43) Yếu tố được các GV đồng nhất hoàn toàn đồng ý là mục tiêu hình thành & phát triển khả năng sáng tạo cho trẻ (TB = 5.00; ĐLC = 0.00). Sau đến yếu tố dạy học sinh hiểu & tự vận dụng cũng được các GV hoàn toàn đồng ý (TB = 4.88; ĐLC = 0.35). Trong 4 yếu tố, yếu tố truyền cảm hứng và tạo động lực hiện tại đang ở mức thấp nhất so với các yếu tố còn lại, và có sự dao động thống nhất lớn hơn các yếu tố còn lại (TB = 4.13; ĐLC = 0.84). Các thông số cho thấy với góc nhìn của GV dạy Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em hiện nay yếu tố truyền cảm hứng và tạo động lực cho HS chưa được ưu tiên như mong muốn của HS trong việc học Mĩ thuật trực tuyến.

 

Bảng 1b. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện mục tiêu dạy học Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em (KSGV)

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Mức độ thực hiện mục tiêu – Truyền cảm hứng & tạo động lực 4.13 0.84
2 Mức độ thực hiện mục tiêu – Cung cấp Kiến thức & Kỹ Năng 4.63 0.52
3 Mức độ thực hiện mục tiêu – Dạy HS hiểu & tự vận dụng 4.88 0.35
4 Mức độ thực hiện mục tiêu – Hình thành & phát triển khả năng sáng tạo 5.00 0.00
Tổng Cộng 4.66 0.43
  • Nội dung dạy học Mĩ thuật trực tuyến
  1. Kết quả khảo sát học sinh

Bảng 2a cho thấy nội dung dạy học vẽ tranh (TB=4.04; ĐCL:1,12 & vẽ ý tưởng sáng tạo là rất tốt. Đồng thời không có nội dung nào chưa đạt yêu cầu về nội dung dạy học. Đối chiếu với câu trả lời mong muốn của các bạn HS khi học Mĩ thuật online: sẽ được học thủ công nhiều hơn chút; chủ đề học nên luôn mới và thú vị hơn; khai thác thêm các góc vẽ mới; sử dụng các chất liệu khác nhau. Đây là những đóng góp cho GV chuẩn bị bài dạy thú vị hơn.

 

Bảng 2a. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện nội dung dạy học Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em (KSHS)

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Vẽ theo mẫu 3.63 1.35
2 Vẽ trang trí 3.42 1.18
3 Vẽ tranh 4.04 1.12
4 Vẽ ý tưởng sáng tạo 4.17 0.92
5 Mĩ thuật ứng dụng 3.33 1.27
6 Tập nặn & tạo dáng 2.71 1.49
7 Thủ công 3.25 1.19
8 Khác 2.96 1.46
  1. Kết quả khảo sát giáo viên

Với số liệu của bảng 2b cho thấy các giáo viên đa phần tập trung vào dạy Vẽ tranh (TB=4.75; ĐLC = 0.46) và dạy thủ công (TB = 4.38; 0.92) sau đó đến vẽ ý tưởng sáng tạo (TB = 3.88; ĐLC = 0.64)

Bảng 2b. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện nội dung dạy học Mĩ thuật trực tuyến cho trẻ em (KSGV)

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Vẽ theo mẫu 3.63 1.30
2 Vẽ trang trí 3.38 0.92
3 Vẽ tranh 4.75 0.46
4 Vẽ ý tưởng sáng tạo 3.88 0.64
5 Mĩ thuật ứng dụng 2.50 1.31
6 Tập nặn & tạo dáng 1.75 1.39
7 Thủ công 4.38 0.92
8 Khác 2.00 0.93
  • Mức độ thực hiện Phương pháp dạy học Mĩ thuật trực tuyến
  1. Kết quả khảo sát học sinh

Số liệu cho thấy HS đánh giá GV rất thường xuyên dùng phương pháp hướng dẫn góp ý (TB=4.5; ĐLC=0.66) và cho mẫu tham khảo phân tích (TB=4,21; ĐLC=1.88), bên cạnh đó GV thường xuyên động viên khen thưởng (TB=4.13; ĐLC=1.00) cũng như cho HS tự do khám phá (TB=4.13; ĐLC=0.90), yếu tố trực quan làm mẫu cũng được sử dụng thường xuyên (TB=4.08; ĐLC=0.97). Điều này cho thấy GV đang làm rất tốt công việc giảng dạy của mình (TB=3.95; ĐLC=1.16)

Bảng 3a Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện Phương pháp dạy học Mĩ thuật trực tuyến

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Trực quan làm mẫu 4.08 0.97
2 Hướng dẫn góp ý 4.50 0.66
3 Động viên khen thưởng 4.13 1.00
4 Mẫu tham khảo phân tích 4.21 1.88
5 Tự do khám phá 4.13 0.90
6 Khác 2.67 1.55
Tổng Cộng 3.95 1.16
  1. Kết quả khảo sát GV

Theo số liệu cho thấy GV đồng ý rằng họ đề sử dụng các phương phát được khảo sát để dạy học (TB=3.96; ĐLC=1.16), hầu hết hoàn toàn đồng ý phương pháp trưc quan làm mẫu (TB=4.88; ĐLC=0.35) đưa ra mẫu tham khảo phân tích (TB=4.75; ĐLC=0.46) hướng dẫn góp ý (TB=4.50, ĐLC=0.54). So chiếu với kết quả ks của HS cho thấy các em cũng hiểu và tiếp nhận được các phương pháp dạy học này.

Bảng 3a Kết quả giá trị TB và ĐLC về Mức độ thực hiện Phương pháp dạy học Mĩ thuật trực tuyến

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Trực quan làm mẫu 4.88 0.35
2 Hướng dẫn góp ý 4.50 0.54
3 Động viên khen thưởng 4.13 0.35
4 Mẫu tham khảo, phân tích 4.75 0.46
5 Tự do khám phá 3.75 0.89
6 Khác 1.75 0.71
Tổng Cộng 3.96 1.16
  • Các yếu tố tham gia quá trình dạy học, kết quả khảo sát HS

Để biết được các HS từ 6 – 13 tuổi học Mĩ thuật trực tuyến có cần sự hỗ trợ bên cạnh không tác giả tiến hành câu hỏi về sự hỗ trợ và tính cách HS học trực tuyến. Số liệu khảo sát cần sự hỗ trợ bên cạnh (TB=2.36; ĐLC=1.32) cho thấy hầu hết không các HS không cần sự hỗ trợ, nhưng có đồng ý một phần HS cần sự hỗ trợ của cha mẹ (TB=2.92; ĐLC=1.41). Song song là câu hỏi về tính cách HS học trực tuyến kết quả hoàn toàn đồng ý rằng các HS có tính cách Tò mò, Kiên nhẫn và Độc lập (TB=4.40; ĐLC=0.81) riêng tính cách Độc lập được đánh giá ở mức độ đồng ý (TB=4.13; ĐLC=1.08) Điều này cho thấy sự logic trong khảo sát, các HS với tính cách Tò mò, Kiên nhẫn, Độc lập sẽ dễ dàng tham gia việc học mĩ thuật trực tuyến và chỉ cần rất ít sự hỗ trợ của cha mẹ.

Bảng 4 Kết quả giá trị TB và ĐLC về các yếu tố tham gia quá trình dạy học

STT Cần sự hỗ trợ bên cạnh TB ĐLC
14 Cha mẹ 2.92 1.41
15 Anh chị 2.17 1.34
16 Ông bà 2.00 1.22
Tổng Cộng 2.36 1.32
STT Tính cách học sinh học trực tuyến TB ĐLC
14 Độc lập 4.13 1.08
15 Tò mò 4.63 0.65
16 Kiên nhẫn 4.46 0.72
Tổng Cộng 4.40 0.81

 

  • Ưu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến
  1. Kết quả khảo sát HS

Qua kết quả khảo sát cho thấy tất cả HS đều đồng ý với các ưu điểm được liệt kê (TB=4.19; ĐLC=1.28). Các ưu điểm được hoàn toàn đồng ý là học trực tuyến HS được tiếp xúc với các hình thức học tập mới (TB=4.63; ĐLC=0.72); Tiết kiệm thời gian di lại (TB=4.58; ĐLC=0.65); Không phân biệt khoảng cách địa lý (TB4.58; ĐLC=0.71); Biết được năng lực tự học của mình (TB=4.56; ĐLC=0.72); Có hiệu quả học tập cao (TB=4.46; ĐLC=0.96); có nhiều thời gian để tự học (TB=4.38; ĐLC=0.88) Không gian học thoải mái (TB=4.33; ĐLC=0.87) và Được tự do làm bài theo ý mình (TB=4.29; ĐLC=0.91) đây là một kết quả khảo sát rất thú vị cho thấy giá trị học Mĩ thuật trực tuyến thực sự hữu ích đối với HS các em được làm việc tự do dưới sự hướng dẫn của GV để cảm nhận năng lực của mình trong không gian học thoải mái, hiệu quả.

Bảng 5a. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Ưu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến. Khảo sát HS

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Tiết kiệm thời gian đi lại 4.58 0.65
2 Khả năng tập trung cao 3.75 0.94
3 Tiết kiệm học phí 4.17 0.87
4 Không có cảm giác tiêu cực với bạn bè 3.79 1.14
5 Bài giảng sinh động thú vị 3.83 1.01
6 Hào hứng mỗi khi học 4.17 0.87
7 Không gian học thoải mái 4.33 0.87
8 Được tự do làm bài theo ý của mình 4.29 0.91
9 Có nhiều thời gian để tự học 4.38 0.88
10 Đối thoại nhiều với cô giáo 3.75 0.94
11 Không phân biệt khoảng cách về địa lý 4.58 0.71
12 Tiếp xúc được với các hình thức học tập mới 4.63 0.72
13 Biết được năng lực tự học của mình 4.46 0.72
14 Hiệu quả học tập cao 4.46 0.96
15 Có thể chọn học các khoá học hay, các giáo viên giỏi ở khác địa phương mình đang ở. 3.83 1.37
16 Khác 4.04 1.30
Tổng Cộng 4.19 1.28
  1. Kết quả khảo sát GV

Qua kết quả khảo sát GV cho thấy tất cả GV đều hoàn toàn đồng ý với các ưu điểm được liệt kê (TB=4.32; ĐLC=1.14). Các ưu điểm được hoàn toàn đồng ý cao là dạy học trực tuyến không phân biệt khoảng cách địa lý (TB=5.00; ĐLC=0) GV có thể dạy HS ở mọi miền đất nước; tiết kiệm thời gian di chuyển (TB=4.88; ĐLC=0.35); Không gian dạy học thoải mái (TB=4.88; ĐLC=0.35); Kiểm soát cảm xúc tốt (TB=4.63; ĐLC=0.52) đây là một yếu tố rất thú vị, khi dạy học trực tuyến GV có thời gian tập trung để cảm nhận vấn đề và cảm xúc của mình rõ hơn nên dễ hiệu chỉnh hơn khi dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó GV cũng đồng ý kết quả dạy học có nhiều bất ngờ sáng tạo thú vị với góc nhìn của trẻ thơ (TB=3.75; ĐLC=0.89), học Mĩ thuật trực tuyến trẻ được tự do tự quyết nhiều hơn nên có cơ hội thể hiện ý tưởng của mình, chính vì điều này GV nên dạy trẻ nguyên lý để trẻ tự vận dụng điều này sẽ kích thích sự suy nghĩ tự do sáng tạo nên cảm hứng khám phá khi học tập trực tuyến.

Bảng 5b. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Ưu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến. Khảo sát GV

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Tiết kiệm thời gian đi lại 4.88 0.35
2 Khả năng tập trung cao 4.13 0.35
3 Kiểm soát cảm xúc tốt 4.63 0.52
4 Dễ tích hợp nhiều cách thức để giảng bài 4.00 0.54
5 Không gian giảng dạy thoải mái 4.88 0.35
6 Dễ quan sát cảm xúc của học sinh 3.63 0.52
7 Đối thoại nhiều với học sinh 3.75 0.46
8 Không phân biệt khoảng cách về địa lý 5.00 0.00
9 Kết quả có nhiều bất ngờ sáng tạo thú vị 3.75 0.89
10 Bài tập thể hiện rõ chính kiến cá nhân của HS 4.38 0.74
Tổng Cộng 4.32 1.14
  • Yếu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến
  1. Kết quả khảo sát HS

Qua kết quả khảo sát HS về yếu điểm của việc dạy học trực tuyến là HS chỉ đồng ý một phần với các yếu điểm được liệt kê (TB=2.9; ĐLC=1.33); HS không đồng ý với yếu tố hiệu quả học tập không cao (TB=2.54; ĐLC=1.22) điều này logic với số liệu của bảng 5a bên trên đánh giá hiệu quả học tập cao. Một số HS đồng ý một phần rằng có khó khăn khi tiếp thu bài học (TB=2.71; ĐLC=1.16) Các HS góp ý thêm các lớp học này có độ tuổi HS chênh lệch khác nhau nên GV hãy nên nói rõ, nói giảm tốc độ mỗi khi giảng bài, đối với các bạn nhỏ tuổi hơn thì cần được chú ý hỗ trợ giảng thêm vì mức độ hiểu và thao tác làm bài không bằng các anh chị. Một số HS đồng ý một phần về sự chênh lệch độ tuổi là yếu điểm của việc học cùng 1 lớp học trực tuyến (TB=2.92; ĐLC=1.41). HS đồng ý một phần học trực tuyến thiếu các kỹ năng tương tác xã hội (TB=2.96; ĐLC=1.23) như kết bạn, làm việc nhóm… là một số kỹ năng ít được chú ý xây dựng. HS đồng ý rằng học trực tuyến bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử (TB=23.42; ĐLC=1.44) nếu kết nối mạng không tốt các con sẽ bị thoát ra; nếu laptop hay điện thoại hết pin cũng sẽ gián đoạn quá trình học, nếu độ phân giải của điện thoại không tốt các con sẽ không nhìn rõ màu sắc bài giảng của GV…

Bảng 6a. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Yếu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến. Khảo sát HS

 

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Khó khăn khi tiếp thu nội dung bài học 2.71 1.16
2 Thiếu sự giám sát của cô khi làm bài 3.08 1.38
3 Phụ thuộc các thiết bị điện tử 3.42 1.44
4 Thiếu kỹ năng tương tác xã hội 2.96 1.23
5 Thiếu tương tác với bạn bè 2.96 1.49
6 Thiếu các chuyển động của cơ thể 3.25 1.42
7 Giảm sự hứng thú 2.75 1.26
8 Nhóm tuổi của học sinh nhiều chênh lệch 2.92 1.41
9 Cần sự hỗ trợ của phụ huynh 3.04 1.43
10 Hiệu quả học tập chưa cao 2.54 1.22
11 Khác 2.29 1.20
Tổng Cộng 2.9 1.33
  1. Kết quả khảo sát GV

Nhìn chung GV hoàn toàn đồng ý về yếu điểm được liệt kê của việc dạy học trực tuyến (TB=4.33; ĐLC=0.6) ĐLC<1 nên kết quả đáng tin cậy. Số liệu đồng ý hoàn toàn cao nhất là GV giảng dạy bị phụ thuộc vào công nghệ  (TB=4.88; ĐLC=0.35), đa phần giáo viên phải mua phần mềm Zoom để việc tương tác dạy học được kết nối ổn định hơn. Các GV phải tự trang bị các thiết bị điện tử cho việc giảng dạy như: ipad, laptop thì phối hơp cùng bàn vẽ Wacom; hoặc kết hợp trình chiếu bằng camera của điện thoại khi cần dạy trực quan làm mẫu. Chính vì vậy GV đồng ý về yếu tố thiếu các kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số (TB=3.75; ĐLC=0.89). GV hoàn toàn đồng ý về việc dạy trực tuyến GV phải luôn nhìn chằm chằm vào màn hình (TB=4.75; ĐLC=0.46); thiếu chuyển động của cơ thể (TB=4.5; ĐLC=0.54). Và hiện tại việc dạy trực tuyến GV không kiểm soát được kết quả bài tập của HS (TB=4.25; ĐLC=0.54)

Bảng 6b. Kết quả giá trị TB và ĐLC về Yếu điểm của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến. Khảo sát GV

STT Yếu tố TB ĐLC
1 Khả năng giám sát quá trình làm bài thấp 4.25 0.89
2 Không kiểm soát được kết quả 4.00 0.54
3 Phụ thuộc công nghệ 4.88 0.35
4 Thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình cao 4.75 0.46
5 Thiếu các chuyển động của cơ thể 4.50 0.54
6 Thiếu các kỹ năng kỹ thuật số 3.75 0.89
7 Thiếu thiết bị kỹ thuật số để giảng dạy 4.13 0.64
8 Nhóm tuổi của học sinh nhiều chênh lệch 4.38 0.52
Tổng Cộng 4.33 0.6
  1. Kết luận

Việc phân tích những lợi thế và bất lợi của việc dạy học Mĩ thuật trực tuyến  là rất quan trọng để tìm ra các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khóa học. Về phía HS, duy trì động lực học tập và duy trì tính tự giác tham gia các buổi học trực tuyến là một trong những biện pháp tối ưu. Đối với các GV, có một số gợi ý từ nghiên cứu này để giúp GV nâng cao chất lượng của khóa học:

Trước tiên, GV có thể thiết kế buổi dạy tách riêng phần giảng bài và ghi hình để gửi cho HS nếu Wi-fi bị lỗi kết nối kém, nhờ vậy HS có thể thực hiện công việc theo tốc độ riêng của mình.

Thứ hai, để tạo cảm hứng học tập cho HS, GV nên tham khảo thêm các kỹ thuật xây dựng bài giảng từ các phần mềm hỗ trợ. Ví dụ: sử dụng phần mềm power point thiết kế bài giảng có chèn âm thanh, video, game, tạo đề tài thảo luận… Ngoài phương pháp dạy theo cách trực quan làm mẫu, GV có thể sử dụng thiết bị Wacom gắn kết với máy tính để hướng dẫn và sửa bài trực tiếp lên màn hình bài giảng. Bên cạnh đó đề tài dạy trực tuyến nên được chọn lựa để có tính tương tác cao. Các hình thức bài tập cũng nên thay đổi đan xen ở các buổi dạy sẽ tạo sự hứng thú cho HS.

Tiếp đến, để giúp HS phát triển kỹ năng xã hội của mình, GV hướng dẫn thao tác giơ tay phát biểu, cách bật và tắt mic để tôn trọng thời gian học tập chung. Xây dựng nội quy lớp học là một điều cần thiết. Thiết lập các dự án nhóm để khuyến khích HS tham gia trao đổi và tương tác cùng nhau. Các hoạt động này có thể giúp HS phát triển các kỹ năng xã hội của mình trong suốt khoá học.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tư vấn học tập và tư vấn về cách sử dụng các thiết bị điện tử khi thao tác học tập sẽ giúp học sinh phối hợp tốt cùng GV trong việc thực hiện bài tập của mình.

Học tập trực tuyến không phải là một khái niệm mới, tuy nhiên, nó trở thành một thuật ngữ nổi bật hơn trong tình hình đại dịch hiện nay, và đáng được quan tâm đầy đủ hơn trong việc đầu tư từ khâu tổ chức bài giảng đến phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh.

Tin khác

Mĩ thuật cho trẻ em

Mĩ thuật cho trẻ em

Mục tiêu giáo dục mỹ thuật của chúng ta hiện tại là tập trung vào phát triển kỹ năng, kiến thức mỹ thuật còn mục tiêu giáo dục mỹ thuật của phương pháp mới hướng đến là sự sáng tạo và sự tự nhận thức, phát triển nhận...

Mục tiêu giảng dạy môn Mĩ thuật cho trẻ em

Mục tiêu giảng dạy môn Mĩ thuật cho trẻ em

Theo nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật Lanier, V. (1972), mục tiêu của việc dạy học mĩ thuật cho trẻ em là phát triển, tạo động lực sáng tạo cho trẻ; rèn luyện kỹ năng thẩm mĩ; nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật để tạo ra...

Mục tiêu giảng dạy môn Mĩ thuật cho trẻ em

Khái niệm Mĩ thuật, môn Mĩ thuật

Theo Từ điển tiếng Việt (2002), mĩ thuật là ngành nghệ thuật nghiên cứu quy luật và phương pháp để thể hiện cái đẹp bằng đường nét, hình khối, màu sắc. Rosalind Ragans và cộng sự (2001), Art Connection, cho rằng Mỹ thuật là "nghệ...